Học tập là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Có bao giờ bạn tự hỏi mình làm cách nào để học là một điều thú vị, không chỉ dừng ở việc thuộc lòng công thức để đối phó với các kỳ thi? Xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài hai phần về những cách học có chất lượng, khơi gợi đam mê học tập của David Ausubel, một nhà tâm lý học khá nổi tiếng trong thế kỷ 20.
Loạt bài lược dịch từ CogniFit, trang tin chuyên về các công cụ phát triển và đánh giá nhận thức.
PHẦN 1: HỌC TẬP CÓ Ý NGHĨA LÀ GÌ VÀ CÓ NHỮNG HÌNH THỨC HỌC TẬP CÓ Ý NGHĨA NÀO
Ai trong chúng ta cũng có nhu cầu liên tục lĩnh hội kiến thức mới và vận dụng kiến thức vào thực tiễn để thích nghi với môi trường. Đôi khi việc lưu giữ những danh sách dài là chưa đủ mà chúng ta phải biến chúng thành kiến thức bên trong tâm trí mình, một quá trình được các nhà khoa học gọi là internalization hay chuyển vào trong. Để lý giải quá trình con người tích hợp thông tin vào bộ não này, David Ausubel, một nhà tâm lý học người Mỹ đã đưa ra lý thuyết học tập có ý nghĩa (significant learning hay meaningful learning).
Học tập có ý nghĩa là gì và có đặc điểm gì
Học tập có ý nghĩa là gì? Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên chúng ta phải làm rõ khái niệm “học” (learning). Học ở đây không chỉ là học kiến thức được dạy trong nhà trường mà bao gồm luôn mọi thay đổi chúng ta quan sát được trong hành vi hoặc tâm trí mình.
Học là một điều thiết yếu trong mọi lĩnh vực cuộc sống của chúng ta. Trong việc học, hiểu và trao đổi những kiến thức cơ bản với người khác là chìa khóa cho sự tiến bộ.
Để lý giải cách bộ não học tập, các nhà tâm lý và các chuyên gia những lĩnh vực khác đã cố gắng phát triển nhiều lý thuyết và đã có một số đề xuất giải quyết vấn đề này dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong số đó có một hướng đi đáng chú ý hiện nay là hiểu rõ quá trình học qua học tập dựa trên não bộ (brain-based learning).
Trong bài viết này, chúng ta sẽ nói về học tập có ý nghĩa, lý thuyết được nhà tâm lý học người Mỹ David Ausubel đề cập lần đầu trong cuốn Educational psychology: a cognitive point of view (Tâm lý giáo dục: quan điểm nhận thức). Theo thuyết học tập có ý nghĩa của Ausubel, thông tin mới sẽ được bổ sung và thích nghi với kiến thức cũ của chúng ta, một quá trình có ý thức. Và học tập có ý nghĩa là một quá trình tích cực mà trong đó nhân vật chính là đối tượng nghiên cứu.
(Ảnh: jackelliot)
Ausubel là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của thuyết học tập kiến tạo (constructivism). Lý thuyết này cho rằng mỗi người chúng ta xây dựng nên thế giới của mình bằng trải nghiệm của chính mình chứ không phải bằng kiến thức bên ngoài đưa vào. Theo Encyclopedia, mô hình học tập có ý nghĩa của Ausubel được xem là một trong những khái niệm căn bản của thuyết kiến tạo hiện đại.
Học tập có ý nghĩa trái ngược với học thuộc lòng hay học vẹt (rote learning) là một quy trình thụ động hơn. Và lý thuyết học tập kiến tạo cũng trái ngược với những quan điểm học tập khác tập trung vào những ảnh hưởng bên ngoài.
Người truyền cảm hứng cho Ausubel xây dựng thuyết học tập có ý nghĩa cũng là một người có nhiều đóng góp cho thuyết kiến tạo, một trong những nhà tâm lý học lớn nhất thế kỷ 20, Jean Piaget.
Hai trong số các nhà tâm lý đặt nền tảng cho thuyết kiến tạo hiện đại: Jean Piaget, David Ausubel (Ảnh: Jardin Infantil)
Chúng ta cần gì để học tập có ý nghĩa
Đây là ba yêu cầu bắt buộc phải có để học tập có ý nghĩa:
– Cấu trúc nhận thức: Một điều rất quan trọng là bạn cần có nền tảng hiện tại mà nền tảng đó phải có sự tương tác (tác động, ảnh hưởng qua lại) với kiến thức mới nhất. Nền tảng được hình thành từ những ý tưởng chúng ta có, cách chúng liên hệ với nhau và mức độ rõ ràng của chúng.
– Tài liệu mới để học: Các tài liệu này cần liên quan tới kiến thức chúng ta đã có từ trước. Nếu gặp khó khăn trong việc tìm ra mối liên hệ thì bạn phải nỗ lực xây dựng mối liên hệ mới tổng hợp các khái niệm mới và cũ.
– Sức mạnh ý chí: Đây là điều quan trọng nhất. Vì chúng ta chịu trách nhiệm tổ chức thông tin trong não mình nên người học cần sẵn lòng làm công việc hình thành và cấu trúc kiến thức.
Học tập có ý nghĩa có những hình thức nào?
Việc học thuộc lòng như một cái máy (learning as machine) chỉ có thể giúp chúng ta trong một số trường hợp như nhớ số điện thoại, số chứng minh nhân dân, các bài thơ. Học tập có ý nghĩa thì có thể được ứng dụng trong toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta hứng thú với một chủ đề, chúng ta phải khám phá đối tượng nghiên cứu và lưu giữ nó một cách sâu sắc hơn, lâu dài hơn. Trên thực tế, kể cả khi chúng ta không muốn trở thành chuyên gia thì việc học có ý nghĩa cũng giúp chúng ta cải thiện kết quả học tập.
Học theo đặc trưng (Feature learning)
Học theo đặc trưng là hình thức học cơ bản nhất, là nền tảng cho các hình thức khác. Đây là cách kết nối ý nghĩa với những khái niệm nhất định. Ví dụ như khi chúng ta biết rằng công cụ giúp chúng ta biết thời gian được gọi là “đồng hồ”. Giữa các khái niệm không có sự liên hệ đơn giản mà chúng ta phải kết nối chúng theo cách có ý nghĩa (có mục đích).
(Ảnh: teachers pay teachers)
Học tập khái niệm (Concept Learning)
Là việc nhóm các biểu tượng, mẫu đại diện khác nhau, ví dụ như khi chúng ta khám phá ra rằng, dù có nhiều loại đồng hồ khác nhau nhưng tất cả đều có một số đặc điểm chung.
(Ảnh: Dreams Time)
Phát biểu học (Learning statements)
Đây là hình thức học chi tiết, phức tạp nhất. Phát biểu học có nghĩa là ý nghĩa của các khái niệm được xử lý sâu hơn để diễn giải chúng dưới dạng phát biểu. Công việc ở đây là tạo ra các kết nối logic.
Ví dụ, khi được hỏi những điều chúng ta biết về đồng hồ, chúng ta sẽ nêu ý kiến về định nghĩa, cách dùng, phân loại, các ví dụ… về đồng hồ. Để làm được việc này, chúng ta phải đi qua hai hình thức học trước đó là học theo đặc trưng và học tập khái niệm.
(Ảnh: Gift of Time Clock)
Mời bạn đọc đón xem phần cuối: Các ứng dụng và lợi ích của học tập có ý nghĩa.
Trong phần 1, chúng ta đã tìm hiểu về khái niệm học tập có ý nghĩa, đặc điểm và các hình thức của nó. Để việc học mỗi ngày luôn vui vẻ và hứng khởi, chúng ta có thể ứng dụng cách học hiểu sâu này trong trường học, tổ chức, cuộc sống hàng ngày như thế nào? Mời bạn đọc đến với phần cuối của loạt bài hai phần về học tập có ý nghĩa.
PHẦN 2: HỌC TẬP CÓ Ý NGHĨA TRONG TRƯỜNG HỌC, TỔ CHỨC, CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY VÀ NHỮNG LỢI ÍCH CỦA HỌC TẬP CÓ Ý NGHĨA
Loạt bài lược dịch từ CogniFit, trang tin chuyên về các công cụ phát triển và đánh giá nhận thức.
Học tập có ý nghĩa trong lớp học
Học tập có ý nghĩa ở trẻ em là cần thiết để trẻ tiếp tục lĩnh hội kiến thức mới sau đó. Trong cuộc đời mình, chúng ta sẽ nhận ra nhiều loại tình huống mà ở đó chúng ta phải xử lý thông tin mới trong đầu mình một cách sâu sắc để vượt qua một thách thức học thuật nào đó.
Vấn đề không nằm ở chỗ xử lý thông tin ở trường đại học, trong cạnh tranh hay tìm việc. Vấn đề là chúng ta càng áp dụng những chiến lược cho phép chúng ta học có ý nghĩa sớm chừng nào thì tốt chừng đó.
Dưới đây là một số hoạt động học tập có ý nghĩa giúp bạn lưu giữ thông tin sâu sắc hơn trong lớp học.
Xây dựng bản đồ khái niệm
Bản đồ khái niệm theo mục đích, đặc điểm… sẽ giúp chúng ta làm rõ và tổ chức ý tưởng tốt hơn. Việc nắm bắt các khái niệm mới và liên kết chúng với các khái niệm đã biết một cách trực quan là cách tuyệt vời để định hình kiến thức mới nhất một cách bền vững.
Một bản đồ khái niệm đơn giản cho chính lý thuyết học tập có ý nghĩa của David Ausubel (Ảnh: Cmap Software)
Giải thích bài học cho bạn bè
Khi phải nói về chủ đề đang học cho ai đó, chúng ta sẽ gặp rắc rối trong việc cấu trúc thông tin. Hiểu biết của chúng ta về chủ đề nghiên cứu sẽ được cải thiện đáng kể qua việc rả lời câu hỏi và xem xét ví dụ.
Làm việc theo nhóm
Lắng nghe quan điểm của mọi người cũng giúp chúng ta đưa thông tin vào trong đầu tốt hơn. Các bạn đồng nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ các kỹ năng của chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá ra những phương pháp và dữ liệu (kiến thức) mới để đưa vào quá trình học của mình.
(Ảnh: The New Times)
Học tập có ý nghĩa ở công ty và tổ chức
Bất cứ loại hình tổ chức nào cũng đều yêu cầu các thành viên của mình lĩnh hội kiến thức mới. Bên cạnh những nội dung hoàn toàn máy móc thì có những nội dung chỉ ra một cách tư duy linh hoạt để thích nghi với những thay đổi liên tục.
Gần đây, việc bắt kịp thông tin trở nên khó khăn khi mọi thứ phát triển quá nhanh. Trong bối cảnh tương lai bất định và thay đổi, điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ trỏ nên tiêu cực mà là chúng ta phải làm việc chăm chỉ để thích nghi và đạt hiệu năng cao hơn.
Các công ty và tổ chức nên xúc tiến học tập có ý nghĩa cho nhân viên của mình. Điều này sẽ khuyến khích sự tham gia của công nhân và giúp họ gia tăng năng suất. Và chúng ta cũng sẽ có động lực tốt hơn nếu biết rõ những điều mình đang học là để làm gì và liên kết chúng với kiến thức đã có.
Học tập có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày
Chúng ta sẽ tiếp tục học trong suốt chu kỳ sống. Lý thuyết học tập có ý nghĩa của David Ausubel có thể được ứng dụng trong vô số tình huống. Ví dụ như, từ thuở bé, chúng ta đã có một số kiến thức về nấu ăn khi nhìn mọi người chuẩn bị đồ ăn và trao đổi các công thức, hiểu biết về nhiều món ăn và biết món nào mình thích, món nào mình không thích.
Đến một ngày, bạn bắt đầu tự lập và phải đưa mọi thứ đã biết về nấu ăn vào thực hành. Bạn có thể nhờ cha mình dạy cho mình những thủ thuật hay nhất của ông. Cha sẽ xem trình độ nấu ăn hiện tại của bạn tới đâu và hướng dẫn theo trình độ đó. Bằng cách này, kiến thức sẽ được pha trộn với những gì chúng ta đã học suốt đời.
(Ảnh: sheknows)
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải học cách hòa hợp với bạn cùng phòng, lái xe đến các thành phố khác, cư xử trong một buổi tiệc. Các tình huống mới sẽ cung cấp cho chúng ta những kiến thức mới tương tác với những gì chúng ta đã biết về cách xử sự trong những tình huống đó.
Lợi ích của học tập có ý nghĩa
Lý thuyết của David Ausubel là một lý thuyết đơn giản giúp chúng ta cải thiện cả việc học lẫn các mối quan hệ liên nhân.
– Cải thiện quan hệ giáo viên-sinh viên: Nếu giáo viên tỏ ra quan tâm đến việc tìm hiểu và điều chỉnh theo kiến thức của sinh viên, sinh viên sẽ có thái độ chủ động hơn, có động lực tốt hơn và học tốt hơn. Điều này cũng được áp dụng trong những bối cảnh khác như gia đình hay các nhóm cùng trang lứa. Tại một thời điểm nhất định trong đời, tất cả chúng ta đều cần phải dạy cho những người quen một điều gì đó.
– Làm cho việc nắm bắt kiến thức mới dễ dàng hơn: Đó là việc “học cách học” để cải thiện các thói quen của bản thân và hiểu biết của chúng ta về thế giới.
– Thông tin được lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn: Nhờ đó, các kết nối chúng ta tạo ra được neo chặt trong cầu trúc nhận thức của chúng ta, giúp chúng ta có thể khôi phục chúng một cách dễ dàng hơn trong tương lai.
– Tính cá nhân: Mỗi người đều trải qua những trải nghiệm quá khứ tác động đến cách nhận thức thực tại. Điều đó giúp chúng ta có thể dễ dàng hình thành những liên kết của chính mình một cách có ý nghĩa và tích cực hơn. Tuy vậy, cần một nền giáo dục được cá nhân hóa nhiều hơn, đòi hỏi thời gian và sự cống hiến nhiều hơn của các nhà giáo dục.
Học tập có ý nghĩa và học thuộc lòng
Một mặt, tất cả chúng ta biết rằng, con người có khả năng ghi nhớ những danh sách dài một cách rất nhanh mà không cần nỗ lực tí nào. Cách này gọi là học thuộc lòng hay học vẹt. Có thể bạn chính là một trong số những người học vẹt hoặc thích học vẹt.
Mặt khác, có những người sau khi đọc một văn bản lại biết cách tóm tắt nó và giải thích được nó một cách hoàn hảo mà không dùng đến các từ cho sẵn. Học cách diễn tả vấn đề theo một cách khác cũng là một cách học có ý nghĩa, học hiểu sâu.
Cách nào tốt hơn?
Câu trả lời là, mỗi hình thức học sẽ tỏ ra phù hợp hơn trong một tình huống cụ thể, tùy vào bối cảnh, năng lực, động lực mỗi người. Ngoài ra, mọi người có những trải nghiệm khác nhau khuyến khích họ cố gắng lưu giữ thông tin bằng cách này hay cách khác.
Nếu chúng ta muốn vượt qua một môn học rồi quên nó đi, chúng ta sẽ cố gắng học thuộc các nội dung một cách nhanh nhất có thể để vượt qua bài kiểm tra. Rồi sau khi hoàn thành bài thi thì chúng ta sẽ quên nó đi.
Còn khi chúng ta hứng thú với một chủ đề nào đó, chúng ta sẽ học mọi thứ về nó và chuyển nó vào kiến thức bên trong.
Hai cách học này không đối lập nhau mà bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo. Trong thực tế, trong những công việc như học lịch sử quốc gia, có những phần mà chúng ta cần học để hiểu và những phần khác cần học thuộc lòng, ví dụ như ngày tháng. Tuy nhiên, trong hầu hết mọi trường hợp, việc học hiểu để có tiến bộ hơn sẽ được ưa chuộng hơn.
Bí quyết hỗ trợ học tập có ý nghĩa
1. Áp dụng lối sống lành mạnh
Đây là một lời khuyên rất hợp lý cho tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta.
Các thói quen lành mạnh là nền tảng cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Chơi thể thao, ăn uống lành mạnh, duy trì thời gian biểu điều độ và nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp bạn học tốt hơn. Tương tự, tiếp xúc với thiên nhiên sẽ giúp bạn ngắt kết nối và xóa bỏ căng thẳng khỏi cuộc sống hàng ngày.
2. Tò mò
Sự ngạc nhiên là chìa khóa để ham muốn thắc mắc vì sao cho mọi việc đang diễn ra. Nếu chúng ta đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời, chúng ta sẽ có khả năng xây dựng các nhóm tương tác mới và lâu dài trong trí nhớ của mình. Việc suy ngẫm cũng khuyến khích chúng ta học nhiều hơn và tốt hơn.
3. Luôn duy trì động lực
Không phải lúc nào chúng ta cũng có động lực học. Nhiều lần chúng ta đã lười biếng trong việc học hay đọc một cái gì đó mới vì cho rằng có thể chúng không đóng góp vào những gì chúng ta cần trong hiện tại. Tuy vậy, chúng ta không bao giờ biết được khi nào thì kiến thức chúng ta có trong những thời điểm nhất định sẽ trở nên cần thiết. Những kiến thức chúng ta đã tích lũy sẽ là một khối lượng đáng kể qua nhiều năm. Hãy giữ thái độ linh hoạt và chấp nhận mọi nhiệm vụ như những thử thách mang lại cho chúng ta vô số lợi ích trong dài hạn.
4. Rèn luyện các thói quen học tập tốt
Nếu chúng ta tổ chức bản thân và có các thói quen được thiết lập tốt, việc học hay thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào tương tự cũng sẽ gặp ít khó khăn hơn.
5. Phòng ngừa quá tải thông tin
Chúng ta phải đối mặt với nhiều thử thách cùng lúc mỗi ngày. Đôi khi chúng ta phải hy sinh việc làm việc đúng để làm được nhiều hơn. Tuy nhiên, đa nhiệm chỉ làm cho năng lực của chúng ta kém đi. Chúng ta thường ưa thích việc hiểu rõ các ưu tiên, thời gian đang có để thực hiện các ưu tiên và hành động theo đó. Nếu chúng ta tập trung vào một vấn đề duy nhất và đã rõ ràng về những việc phải làm, khả năng của chúng ta sẽ được cải thiện.
6. Lập các bài tóm tắt và đề cương của bạn
Nếu bạn đang chuẩn bị cho một kỳ thi thì học tập có ý nghĩa là chìa khóa giúp bạn thành công. Bạn có thể gạch dưới những khía cạnh phù hợp nhất của văn bản sau khi đọc nó vài lần. Sau đó, khi bạn đã rõ điều gì là quan trọng nhất, hãy cố gắng viết ra ghi chú của bạn về các điểm chủ yếu.
Hãy nghĩ tới những điều bạn biết về chủ đề rồi kết nối nó với thông tin mới. Các liên hệ mới sẽ trỗi dậy để giúp bạn nắm vững nội dung. Bạn cũng có thể sử dụng khoa học tâm lý về màu sắc để các bài tóm tắt của bạn dễ nhớ hơn. Cách này giúp bạn kết nối nội dung với cảm xúc, duy trì chú ý và nhấn mạnh điều cốt lõi.
(Ảnh: Teachers pay teachers)
7. Cho ví dụ
Nếu mỗi lần bạn cố gắng học điều gì đó, bạn liên tưởng nó với những kiến thức hay trải nghiệm cũ, bạn sẽ làm ra các kết nối đáng nhớ. Hiểu rõ một vấn đề là nền tảng của học tập có ý nghĩa. Trong bí quyết này, bạn đi từ việc thuộc lòng khái niệm sang hình dung và biết cách giải thích khái niệm đó.
Hãy tìm những ví dụ khiến bạn hứng thú. Chúng sẽ giúp bạn tạo ra những kết nối đi thẳng tới hạch hạnh nhân (amygdala). Nằm ở tâm não với nhiệm vụ xử lý các yếu tố gây cảm xúc ở người, hạch hạnh nhân là bộ phận quyết định sự sống còn của não và gắn bó chặt chẽ với việc học.
8. Dành thời gian
Đôi khi, sự mệt mỏi hay thiếu thời gian sẽ khiến chúng ta chọn con đường ngắn nhất và tránh né sự tập trung để học hiểu sâu. Khi vội vã, chúng ta có thể không lưu giữ được những điều quan trọng nhất.
Nếu chúng ta thật sự hứng thú học một cái gì đó, tốt nhất là xem xét một thời điểm mà chúng ta không quá xúc động để tập trung mọi sự chú ý cho vấn đề đó. Không phải lúc nào chúng ta cũng có được lựa chọn này. Tuy vậy, nếu chúng ta nỗ lực, sự tập trung của chúng ta sẽ gia tăng và chúng ta sẽ biết ơn điều đó sau khi chứng kiến kết quả.
9. Sử dụng công nghệ
Các công nghệ truyền thông và thông tin cho phép chúng ta cải thiện sự chú ý, duy trì động lực để tiếp tục việc học. Các nguồn lực mới được phát triển thường xuyên sẽ giúp chúng ta đơn giản hóa cuộc sống hàng ngày, cải thiện chất lượng sống. Hiện nay, ngày càng có nhiều phương tiện được dùng để giúp mọi người tương tác với chúng khi họ phát triển những kỹ năng mới.
10. Lợi ích từ học tập dựa trên não bộ
Học tập có ý nghĩa cũng là một mô hình học tập dựa trên não bộ. Dù bạn thuộc về số đông hay các chuyên gia, những nền tảng dựa trên não bộ trực tuyến có tính giải trí như CogniFit cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bộ não và được đào tạo các kỹ năng nhận thức như trí nhớ, sự chú ý, nhận thức, tư duy,.
Minh họa một số nguyên tắc học tập dựa trên não bộ (Ảnh: Teaching Commons – Lakehead University)
Mời các bạn tham gia Group Cộng đồng VnReview để thảo luận và cập nhật tin tức công nghệ cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.
Linh Trần (Theo CogniFit)