Cảm xúc giống như những người bạn thân của ta – chúng có thể là một món quà tuyệt vời xuất hiện trong cuộc đời mỗi người, nhưng cũng có thể đem đến những tai hoạ! Cảm xúc khiến chúng ta biết khóc, biết cười, thậm chí có thể soi đường dẫn lối cho các hành vi của mình. Loài người tồn tại và khác biệt là nhờ có cảm xúc, nhưng đôi khi, chúng cũng chẳng tha cho ta đâu, ngay cả khi lý trí đã “cầu xin” nó hãy để chúng ta yên!
Loài người chúng ta đã có cảm xúc ngay từ khi chúng ta biết nhận thức. Cảm xúc đã luôn luôn là một phần cuộc sống của chúng ta và ảnh hưởng tới tính cách của mỗi người ngay từ khi họ được sinh ra. Tuy nhiên, một câu hỏi nảy sinh từ đây – cảm xúc của chúng ta đến từ đâu? Phải chăng cảm xúc của con người được hình thành và củng cố qua hàng thế kỷ tiến hoá và thích nghi, hay chúng chỉ là một sản phẩm của đời sống xã hội và các nền văn hoá?
Quan điểm tiến hoá – Cảm xúc chỉ là sự thích nghi của con người với môi trường xung quanh?
Các nhà tâm lý học theo quan điểm tiến hoá tin rằng cảm xúc là sự thích nghi của con người với môi trường xung quanh, là kết quả của sự tiến hoá nhằm thích ứng với những thử thách mà tổ tiên của con người đã từng phải đối mặt. Họ tin rằng cảm xúc là một hiện tượng bẩm sinh, hay nói cách khác, con người sinh ra đã có cảm xúc và ngay từ khi mới sinh, trong não bộ người đã tồn tại với một số cảm xúc nhất định. Một số nhà tâm lý học khác thì cho rằng, con người chỉ có một số cảm xúc “cơ bản” được hình thành bẩm sinh, gồm 6 loại hình cảm xúc chính: hạnh phúc, buồn bã, sợ hãi, ngạc nhiên, giận dữ và ghê tởm.
Một trong những phương pháp nhằm chứng minh cảm xúc là một sản phẩm của tiến hoá là phải chứng minh được rằng đây là một hiện tượng “toàn cầu”, xảy ra với tất cả mọi cộng đồng người trên phạm vi toàn thế giới. Một số loại cảm xúc có đặc tính “toàn cầu”, tức là chúng tồn tại ở nhiều nền văn minh khác nhau với các đặc điểm và biểu hiện tương nhau, ngay cả khi giữa các nền văn minh này có sự khác biệt đáng kể về môi trường sống. Một bộ lạc tồn tại cô lập, không sử dụng chữ viết ở New Guinea sử dụng các biểu cảm khuôn mặt khi thể hiện những cảm xúc cơ bản nhằm mô tả một số tình huống cụ thể mà họ đang phải đối mặt. Chẳng hạn, đa số người dân của bộ lạc này sử dụng biểu cảm ghê tởm để mô tả thực trạng thức ăn đã bị hỏng (ôi thiu…), biểu cảm giận dữ để mô tả sự xúc phạm, hay bộ mặt buồn bã để thông báo một đứa trẻ mất tích/ qua đời.
Tuy nhiên, tính “toàn cầu” không phải là yếu tố đủ để chứng minh tính chất bẩm sinh của cảm xúc. Hãy thử tưởng tượng: dù tất cả mọi người trên thế giới có chung nhận định rằng Mặt Trời toả hơi ấm thì điều đó cũng chưa đủ để rút ra kết luận rằng tất cả mọi người đều biết việc Mặt Trời toả hơi ấm ngay từ khi sinh ra.
Ở đâu trên Trái đất này Mặt Trời cũng toả hơi ấm, và đó là lý do vì sao tất cả mọi người đều tin điều đó.
Đây là lúc mà tính chất “có thể học hỏi được” của vấn đề xuất hiện. Đa số chúng ta đều biết việc Mặt trời toả ra hơi ấm nhờ học hỏi từ một ai đó, có thể là cha mẹ nói với chúng ta như vậy, hoặc chúng ta đã được học về điều này ở trường. Xét một ví dụ trái ngược, đó là hành vi “hắt xì hơi”: đây là một phản ứng xảy ra không theo chủ ý của con người. Chúng ta không thể học cách “hắt xì hơi” thông qua việc phân tích các bằng chứng hay suy luận được, bởi nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát cảu chúng ta. Cảm xúc không giống như những đức tin, nhưng chúng có tính chất thụ động, giống như hành động “hắt xì hơi” vậy, và do đó chúng ta có vẻ như không thể học được các “cảm xúc”.
Tương tự như hành động “hắt xì hơi”, cảm xúc có liên quan mật thiết đến cơ thể, và do đó được quy kết là nguyên nhân của một số những biến đổi về cơ thể. Lấy ví dụ, bạn đang đi lạc trong rừng và gặp phải một con gấu to lớn, xấu xí, xù xì xuất hiện ngay trước mặt bạn. Nhịp tim của bạn bất đầu tăng cao, và bạn trở nên run rẩy như cầy sấy. Vì sao những phản ứng dạng này của cơ thể lại xảy ra? Bởi vì, một số cảm xúc nhất định, chẳng hạn như sự sợ hãi hay tức giận, có thể làm tăng nhịp tim và căng cơ bắp của chúng ta. Do cảm xúc sợ hãi là kết quả của sự tiến hoá nhằm giúp con người đối phó với các mối đe doạ nguy hiểm, cơ thể chúng ta sẽ chuẩn bị sẵn sàng để chạy thoát thân hoặc tấn công lại đối thủ khi bị rơi vào trạng thái hoảng sợ. Cả hai cách phản ứng này đều có vai trò thiết yếu trong việc giúp con người ứng phó lại với những thử thách có thể đe doạ tới tính mạng của mình. Đây chắc chắn là một trong những đặc tính của con người, được trau dồi và hoàn thiện thêm sau một thời gian dài tiến hoá.
Một vài trong số những cảm xúc cao cấp của con người cũng có thể giải thích được bằng mô hình tiến hoá. Chẳng hạn như cảm xúc tội lỗi. Các nhà tâm lý học theo quan điểm tiến hoá cho rằng nếu không có loại cảm xúc này, chúng ta sẽ có xu hướng lừa gạt người khác nhiều hơn nếu chúng ta nhận thấy rằng điều này mang lại nhiều lợi ích và ít rủi ro hơn cho bản thân. Việc lừa gạt người khác có thể đem lại những lợi ích trước mắt ngay lập tức, nhưng sẽ ảnh hưởng tiê cực tới chúng ta về lâu về dài.
Hơn nữa, nếu bạn lừa người khác và bị phát hiện, rất có thể sẽ làm ảnh hưởng đến viễn cảnh trao đổi tài nguyên giữa họ với những người khác trong tương lai (mọi người sẽ không còn tin tưởng và không hợp tác làm ăn hay giúp đỡ, hỗ trợ cho bạn nữa…). Nếu hình thành được cảm xúc tội lỗi, con người sẽ biết hợp tác với nhau hơn, bởi mọi người hiểu rằng đối phương sẽ ít có khả năng lừa lọc mình hơn nếu họ biết cảm thấy hối lỗi. Mặt khác, nếu chúng ta bị phát hiện lừa gạt người khác và tỏ ra ăn năn, mọi người nhiều khả năng sẽ tha thứ cho chúng ta hơn là khi chúng ta không thể hiện bất kì cảm xúc xấu hổ hay hối hận nào. Do vậy, cảm giác tội lỗi đóng vai trò tác nhân thúc đẩy các hành vi có thể tối đa hoá khả năng hợp tác lẫn nhau giữa người với người trong tương lai.
Hơn nữa, một số cảm xúc được chứng minh là tác nhân gây ra các thay đổi sinh lý trong cơ thể của những loài động vật cấp thấp hơn, củng cố giả thuyết cho rằng cảm xúc là kết quả của quá trình tiến hoá.
Cảm xúc là một dạng cấu trúc xã hội
Những người chỉ trích quan điểm của các nhà tâm lý học tiến hoá lập luận rằng cảm xúc được hình thành thông qua các tương tác của con người với xã hội nơi họ sinh sống (tức là không phải do bẩm sinh mà nó). Nói cách khác, cảm xúc là kết quả của sự nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục chứk hông phải của tự nhiên. Họ phản đối lý thuyết về sự tiến hoá của cảm xúc; thay vào đó, họ cho rằng cảm xúc là lựa chọn tự nguyện của các cá nhân, nhưng lâu nay bị lầm tưởng là một quá trình không tự chủ.
Những người bảo vệ quan điểm này cho rằng nền văn hoá nơi chúng ta sinh sống quyết định cảm xúc và cách hành xử của con người trong các tình huống cụ thể. Khi chúng ta nảy sinh một cảm xúc nào đó và phản ứng lại với nó, tức là chúng ta đang hành động theo một phương thức mà nền văn hoá chỉ dẫn cho chúng ta phải làm như vậy. Họ lập luận: quan điểm cho rằng con người không tự chủ được các cảm xúc, chẳng hạn như tức giận, là một sự lầm tưởng. Bởi lẽ, con người chỉ có thể trở nên tức giận khi chúng ta xác lập được quan điểm rằng một đối tượng nào đó đang gây khó chịu hay xúc phạm tới chúng ta. Quan điểm ấy lại phụ thuộc vào những sự phán xét mang tính đạo đức do nền văn hoá truyền cho mỗi người. Chẳng hạn, có những hành động mà ở nền văn hoá này bị cho là xúc phạm trong khi ở các nền văn hoá khác lại là một hành vi bình thường. Trong trường hợp đó, cảm xúc tức giận sao có thể là một phản ứng tự nhiên của loài?
Hơn nữa, cảm xúc tức giận không phải ở nền văn hoá nào cũng có. Lấy ví dụ, trong văn hoá của người Inuit, mọi người hiếm khi bày tỏ cảm xúc tức giận với nhau, có lẽ bởi những cách hành xử hung hăng có thể là quá mạo hiểm đối với sự tồn vong của một nền văn minh sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Thậm chí, ngôn ngữ Malay của người Malaysia còn không có từ đồng nghĩa hoàn toàn với từ “tức giận”!
Ngoài tức giận, còn có nhiều cảm xúc khác có sự khác biệt giữa các nền văn hoá. Từ “amae” trong tiếng Nhật mô tả cảm giác phụ thuộc theo kiểu “nuông chiều”, thường thấy trong các mối quan hệ mẫu tử (mẹ con). Người phương Tây thường chỉ công nhận sự tồn tại của loại hình cảm xúc này ở trẻ em, nhưng người Nhật lại thừa nhận nó ở cả người lớn! Ngoài ra, văn hoá Nhật Bản còn tồn tại nhiều loại cảm xúc rất ít thấy ở các nền văn hoá khác.
Cảm xúc được hình thành dựa trên đức tin của mỗi người, và đức tin ấy lại dựa trên nền tảng xã hội nơi chúng ta sinh sống. Hãy tưởng tượng một nền văn hoá tàn bạo, khuyến khích mọi người vui mừng trước sự đau khổ của người khác. Danh sách những thứ mang lại niềm vui cho những người thuộc nền văn hóa đó sẽ bao gồm cả những nỗi đau mà người khác đang phải gánh chịu. Cường độ của cảm xúc, chẳng hạn như sự ghen tuông, cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố văn hóa và tín ngưỡng. Trên thực tế, văn hóa có thể ảnh hưởng đến tần suất và cường độ cảm xúc của chúng ta, khiến cho chúng giống như sản phẩm của các cấu trúc xã hội nhiều hơn là các tác nhân sinh học.
Vậy nguồn gốc thực sự của cảm xúc là gì?
Các nhà tâm lý học tiến hóa đánh giá thấp vai trò của các yếu tố văn hóa và quá trình học hỏi từ xã hội, trong khi những người theo quan điểm xã hội thì lại đề cao quá mức hai yếu tố này. Về cơ bản, chúng ta cần một lời giải thích có thể “cân bằng” được giữa cả hai thái cực này.
Có lẽ chúng ta nên tránh đề cập đến sự lựa chọn tuyệt đối, tức là một trong hai quan điểm là đúng còn quan điểm còn lại thì sai. Chúng ta có thể nói rằng cả hai lý thuyết này đều đúng, nhưng mỗi lý thuyết có thể được áp dụng để giải thích cho những cảm xúc khác nhau: một số cảm xúc có thể là kết quả của tiến hoá, trong khi số khác có được nhờ xã hội. Chúng ta có thể sử dụng quan điểm tiến hóa để giải thích những cảm xúc cơ bản, và chứng minh những cảm xúc phức tạp hơn là kết quả của sự ảnh hưởng từ các nền văn hóa. Ví dụ, ghen tuông có thể được coi là một sản phẩm của những cảm xúc cơ bản như buồn bã, sợ hãi, giận dữ và ghê tởm, cùng sự phản ứng phổ biến của văn hóa trước hành vi không chung thủy. Khi bạn cảm thấy ghen tuông, bạn thực sự cảm thấy buồn vì mất bạn đời, sợ phải sống một mình, tức giận về việc bị phản bội và ghê tởm khi nghĩ đến những hành vi ngoại tình.
Những cảm xúc phức tạp của chúng ta cũng có thể bắt nguồn từ những cảm xúc cơ bản của người khác. Chúng ta cảm thấy bản thân có lỗi khi thừa nhận sự tức giận của người khác đối với chúng ta là hợp lý. Chúng ta cảm thấy xấu hổ khi chúng ta chấp nhận sự khinh miệt của người khác hướng đến mình.
Hơn nữa, một số cảm xúc nhất định có thể được cảm nhận theo những cách khác nhau trong các tình huống khác nhau. Hãy tưởng tượng rằng bạn nghe thấy một tiếng động lớn, làm bạn giật mình, khi ấy trái tim của bạn bắt đầu đập nhanh hơn. Đây là nỗi sợ hãi, nhưng nó không phải là nỗi sợ giống như những gì bạn đã trải qua khi nhìn thấy một con gấu xám trong rừng, hoặc những gì bạn có thể trải qua do kết quả bầu cử không mong muốn.
Cảm xúc là một khái niệm phức tạp: những yếu tố cả về tiến hóa và văn hóa – xã hội đều góp phần vào sự hiểu biết của chúng ta về nguyên nhân và ảnh hưởng của cảm xúc. Việc khám phá những lý thuyết này và giải quyết những bất đồng xung quanh chúng là một quá trình diễn ra liên tục trong lý thuyết đương đại về cảm xúc và các lĩnh vực liên quan.
Còn đối với chúng ta, những người không chuyên sâu về nghiên cứu cảm xúc, lần tới khi bạn nhận thấy một cảm xúc phức tạp đang nổi lên trong mình, điều quan trọng là phải xác định những loại hình cảm xúc cơ bản tiềm ẩn đằng sau cái cảm xúc phức tạp đó, để từ đó có những cách hành xử hợp lý nhất, giúp bạn cân bằng và kiểm soát được cảm xúc của mình!
Quang Huy (VnRevier)