Giao tiếp xã hội là một vấn đề quan trọng trong xã hội hiện đại, người có nghệ thuật giao tiếp hoàn hảo là người có những kĩ năng cơ bản đã được rèn luyện từ chính bản thân và được tiếp xúc trong các môi trường, đối tượng khác nhau
Trong xã hội ngày nay, quá trình hội nhập giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế phát triển mạnh mẽ, thì mối quan hệ giao tiếp trở thành một trong những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của con người. Do vậy, muốn thành công trong mọi công việc, bạn hãy tạo cho mình một phong cách nói chuyện lôi cuốn hấp dẫn, gây ấn tượng cho người nghe. Một vài kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn thành công hơn trong giao tiếp:
Hãy là người chủ động trong giao tiếp: Chúng ta thừa nhận với nhau rằng phần lớn mọi người đều ngại ngùng và rụt rè khi giao tiếp với người lạ. Đây là một trở ngại lớn trong quá trình giao tiếp, khiến cho sự tiếp xúc đầu tiên mất đi tính tự nhiên, thân mật. Chính vì vậy, điều đầu tiên bạn cần phải làm là thoát khỏi tâm lý e ngại, thụ động. Bạn hãy là người chủ động, tạo sự thân thiện hơn trong việc tiếp xúc với người khác, đây là một điểm khởi đầu “hoàn hảo” giúp bạn gây ấn tượng với người mình nói chuyện.
Lắng nghe để hiểu về người mình nói chuyện và thể hiện bạn đang tôn trọng họ (Hình minh họa nguồn Internet)
Luôn luôn lắng nghe để hiểu về người mình nói chuyện: Khi nói chuyện với người khác, bạn hãy lắng nghe họ nói, điều đó chứng tỏ cho họ thấy rằng bạn đang rất tôn trọng họ. Lắng nghe để bạn nắm bắt được nhiều thông tin và hiểu được các vấn đề liên quan đến người ấy, từ đó bạn sẽ nắm bắt được tâm lý của họ và có thể đưa ra các lời nhận xét hay những ý kiến hợp lý mà người nói chuyện với bạn đang quan tâm. Chính điều này, người nói chuyện với bạn sẽ đánh giá bạn là những người hiểu biết, có văn hóa, văn minh lịch sự, biết lắng nghe và chia sẻ.
Hãy chú ý cân bằng lượng thông tin trao đổi giữa hai người: Trong quá trình nói chuyện, nếu như chỉ có một mình bạn thao thao bất tuyệt mà người kia chỉ ngồi im lặng nghe bạn nói mà không thể nào bày tỏ ý kiến của họ. Ngược lại, người đó nói quá nhiều mà bạn cũng không thể nói được gì, thì cuộc nói chuyện sẽ trở nên vô vị. Lượng trao đổi thông tin giữa hai người không được cân bằng sẽ tạo nên tâm lý khó chịu, ức chế cho cả bạn và người đó. Chính vì vậy, nguyên tắc để cuộc giao tiếp có hiệu quả là khi cả hai người không nên nói quá nhiều hoặc quá ít, cần cân bằng lượng thông tin của cả hai để cuộc giao tiếp có kết quả.
Chủ động thay đổi chủ đề khi câu chuyện có vẻ nhạt dần để buổi nói chuyện thêm thú vị: Khi hai người nói chuyện về một vấn đề nào đó lâu sẽ gây nên nhàm chán, do đó, khi cảm thấy vấn đề không còn hấp dẫn nữa, bạn hãy chủ động chuyển sang chủ đề mới, như các sự kiện, các vấn đề về văn hóa, thể thao, du lịch, âm nhạc… nhờ đó bạn tìm được một chủ đề mới mà làm cho người nghe hứng thú tham gia. Như thế người giao tiếp với bạn sẽ cảm thấy bạn là một con người có hiểu biết, thân thiện và muốn chia sẻ nhiều vấn đề với mọi người xung quanh.
Khi mới gặp mặt, bạn hãy nở nụ cười thật tươi và lịch sự với người mình nói chuyện (Hình minh họa nguồn Internet)
Biểu hiện “ngôn ngữ cơ thể” một cách nhịp nhàng hợp lý: Khi mới gặp mặt, bạn hãy nở nụ cười thật tươi và lịch sự với người mình nói chuyện, như thế sẽ tạo nên cảm giác thân thiện ngay từ ban đầu. Đây là tín hiệu bạn đang “sẵn lòng” giao tiếp và mong muốn được giao tiếp. Trong quá trình giao tiếp ánh mắt của bạn hãy hướng vào người mình đang trao đổi, trong lúc nghe người khác nói bạn nên lắng nghe và cuối cùng là những cái gật đầu kèm theo một nụ cười thân thiện. “Ngôn ngữ cơ thể” không chỉ là sự diễn đạt cởi mở, rằng bạn đang nghe mà còn thể hiện bạn đã hiểu những gì người khác nói, nếu bạn không đồng tình với ý kiến của người đó, bạn cũng nên nở nụ cười thân thiện và có thể nói thêm rằng “…theo tôi thì vấn đề này có thể phân tích ở nhiều góc độ khác nhau…” và bạn sẽ đưa ra ý kiến của mình, khi nói bạn hơi đẩy người về phía trước hướng về phía người mình cần truyền đạt thông tin.
Như vậy, trong giao tiếp nếu bạn nắm được một vài kỹ năng trên và áp dụng cho bản thân, chắc chắn bạn sẽ trở thành người nói chuyện “có duyên” trong mắt người khác. Điều đó sẽ tạo nên sự thành công trong cách giải quyết công việc của bạn.
Tác giả bài viết: Phạm Văn Dự